Các dự án đầu tư phát triển không chỉ từ phía doanh nghiệp, mà công tác chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sâu hơn vào sân chơi quốc tế cũng được triển khai từ phía Bộ, ngành. Kế hoạch dài hạn về đầu tư cho việc sản xuất như nâng cao năng lực sản xuất vải thoi và vải dệt kim – nhất là vải dệt kim. Sắp tới, Tổng công ty Dệt may Việt Nam sẽ tập trung đầu tư bổ sung để đưa năng lực xử lý vải dệt thoi đạt 404,8 triệu m2 và 30.446 tấn vải dệt kim vào năm 2010.
Hiện trong năm 2005, Vinaex đạt 183,6 triệu m2 và vải dệt kim gần 20.000 tấn/năm, chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho ngành may. Theo qui hoạch chi tiết mặt hàng vải dệt thoi thành phẩm của Vinatex, sản phẩm vải nhuộm màu là mặt hàng chủ lực cho ngành may áo sơ mi và quần âu sẽ được tập trung sản xuất tại các công ty dệt: Nam Định; Việt Thắng; nhuộm Yên Mỹ; nhuộm Thủ Đức ; dệt nhuộm Sơn Trà và dệt may Đông Á.
Hiện tại, năng lực nhuộm sợi của Vinatex là 4.120 tấn/năm, nên trong giai đoạn tới chỉ đầu tư sản phẩm này tại các công ty dệt 8/3, Nam Định, dệt may Thắng Lợi, đưa năng lực nhuộm sợi màu đạt 5.000 tấn/năm. Tăng cường đầu tư công nghệ in hoa lên vải với công suất là 70,5 triệu m2 / năm (năng lực hiện tại chỉ đạt 10 triệu m2 / năm).
Do vải dệt kim ngày càng được ưa chuộng và sử dụng nhiều, nhất là thị trường Mỹ nên các doanh nghiệp như dệt may Hà Nội, Thành Công, Đông Á, dệt Kim Đông Xuân và Đông Phương đẩy mạnh đầu tư sản xuất mặt hàng này với năng suất sản xuất từ 1.900 tấn đến 6.620 tấn/năm. Hiện nay, Vinatex đã đầu tư ở phía Bắc nhà máy hoàn tất vải dệt kim đồng bộ với dự án vải dệt kim co giãn và vải cào lông công suất 1.500 tấn/ năm, dự kiến tăng công suất 3.000 tấn/năm.