B2C và C2C – thương mại điện tử

Phần lớn các sàn B2C hoạt động theo dạng cửa hàng trực tuyến kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng, trong đó chủ yếu là các mặt hàng có độ tiêu chuẩn hoá cao như hàng điện tử, thiết bị điện, đồ gia dụng, sách báo, văn phòng phẩm, v.v… Với mô hình kinh doanh và chiến lược quảng bá bài bản, nhiều sàn thương mại điện tử B2C bắt đầu tạo nguồn doanh thu ổn định cho doanh nghiệp. Các website B2C Việt Nam hiện nay cung cấp khá chi tiết thông tin giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ. Các website tiêu biểu thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm mới, tổ chức các chương trình khuyến mại, cung cấp các dịch vụ trực tuyến phục vụ cho quá trình mua hàng của người tiêu dùng được nhanh chóng và thuận tiện.

Hàng hoá bán trên các website B2C tập trung vào lĩnh vực hàng điện tử – tin học, đồ gia dụng, điện thoại di động, sách báo, văn phòng phẩm, quà tặng, thời trang, du lịch…Các hình thức thanh toán rất đa dạng từ trả tiền mặt, điện chuyển tiền, thanh toán qua người vận chuyển, thẻ thanh toán nội địa, thẻ hội viên. Tuy nhiên, hình thức thanh toán trực tuyến vẫn còn rất ít website áp dụng. Hình thức phân phối, vận chuyển hàng hoá cũng được các website B2C bắt đầu chú trọng. Có hai hình thức phổ biến: chủ sở hữu website tự đứng ra tổ chức mạng lưới vận chuyển hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát.

Một điểm đáng lưu ý là các website B2C của Việt Nam hầu hết chưa chú trọng đến các quy định bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng.Chỉ có các website tiêu biểu mới thực sự quan tâm đến việc quảng cáo, tiếp thị hình ảnh website của mình thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Các website này cũng đã biết cách chuyên nghiệp hoá giao diện người mua hàng, tạo một bố cục gắn kết, dễ tìm kiếm thông tin.