Theo số liệu của Bộ Công nghiệp cho thấy, phần lớn giá trị máy móc thiết bị sản xuất công nghiệp chỉ còn 30% so với giá trị ban đầu và đã lạc hậu hơn 30 năm. Như ngành dệt may, 45% thiết bị máy móc cần phải đầu tư nâng cấp và 30-40% cần thay thế.
Đối với ngành kéo sợi : Kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp có thiết bị kéo sợi cho thấy trình độ công nghệ đa số vẫn là trung bình và lạc hậu, cụ thể như sau: 10% thiết bị được đầu tư từ các nước có trình độ tiên tiến (Tây Âu và Nhật Bản) và sử dụng trong vòng 5 năm (từ năm 2000 trở lại đây); 11% thiết bị đã được sử dụng từ 5-10 năm, được đầu tư từ Tây Âu, Nhật Bản hoặc Ấn Độ và Trung Quốc; 33% thiết bị đã được sử dụng 10-20 năm, chất lượng trung bình và tùy thuộc vào trình độ quản lý sử dụng của doanh nghiệp; 46% thiết bị đã được sử dụng trên 20 năm, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng, ngoại trừ tại một số doanh nghiệp có quản lý tu sửa tốt.
Ngành dệt thoi: Hầu hết thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp với các mặt hàng, năng suất và chất lượng trung bình. Do đó, hầu hết vải dệt thoi trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu làm hàng xuất khẩu.
Đặc điểm nổi bậc của sản phẩm dệt thoi của Việt Nam là: Sản lượng còn thấp, chủng loại mặt hàng chưa đa dạng, chất lượng thấp và không ổn định về độ đồng đều màu và độ bền màu của vải nhuộm, giá cả không cạnh tranh, khâu tiếp thị lưu thông còn yếu kém nên phần lớn chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước.
Vải dệt thoi xuất khẩu và cung cấp cho may xuất khẩu còn thấp (khoảng 20%). Những yếu kém này làm giảm hiệu quả đầu tư, kéo dài thời gian thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. Ngoài việc còn tồn tại một lượng lớn các thiết bị quá lạc hậu, là việc thiếu kỹ năng kỹ thuật chuyên môn ngành dệt như vấn đề quản lý kỹ thuật, công tác phát triển mặt hàng mới chưa được chú trọng, chưa tạo ra một bước đột phá về chất lượng vải dệt.