Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ với mặt hàng may mặc là có xu hướng sử dụng những chất liệu gần với tự nhiên như là cotton, hay pha cotton với tỷ lệ cao. Đây là hướng chính để phát triển chất liệu vải cho sản phẩm sản xuất xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Có hai hướng để đáp ứng nguồn bông cotton cho thị trường Mỹ như sau:
Nhập khẩu bông để sản xuất vải từ các nước khác hoặc tận dụng nguồn bông trong nước.
Nhập khẩu trực tiếp bông hoặc sản phẩm sợi làm từ bông cotton Mỹ thông qua các nước thứ ba như Pakistan, Ấn Độ…. Đây là một hướng tốt vì sản phẩm may mặc sẽ có nhiều lợi thế trong việc xuất khẩu mặt hàng may mặc có sử dụng chất liệu có nguồn gốc từ Mỹ ( trong trường hợp sử dụng nhiều bông cotton Mỹ, công ty được phép treo hangtag “USA Cotton” trên sản phẩm sản xuất ra).
Cùng với xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, trong thời gian gần đây các loại sợi như tencel, modal, soybean (đậu nành), visco, bamboo (sợi làm từ nguyên liệu tre) được các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ứng dụng trong sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ, như công ty dệt Phong Phú đã tiến hành thử nghiệm và xuất khẩu mặt hàng khăn bông làm từ sợi bamboo (sợi làm từ tre) sang thị trường Mỹ.Chất liệu vải cũng phải thể hiện sự độc đáo phù hợp với tính cách của người Mỹ. Do không có nhiều thời gian cho công việc nhà, sản phẩm may mặc như áo sơ mi, quần tây giặt xong là treo lên mặc dần, nên đặc tính chống nhàu (đỡ thời gian giặt ủi) rất quan trọng đối với người Mỹ.
Một xu hướng khác để khai thác thị trường cao cấp ở Mỹ về chất liệu là sử dụng nguồn bông “hàng hiệu” như Pima, Supima, Egyptian… Đây là những nguồn bông xơ dài, bóng, khi kéo ra sợi, dệt vải cho ra những sản phẩm cực kỳ đẹp, bền. Giá cho các loại nguyên liệu này thường đắt hơn 1.5 đến 2 lần so với nguyên liệu thông thường, nhưng sản phẩm cuối cùng lại được bán với giá rất cao trên thị trường Mỹ.